BIỂN – BỜ

Diễn đàn về Cảng – Đường thuỷ – Thềm lục địa Việt Nam

TRÁI TIM BỖNG CÓ VẤN ĐỀ

Posted by phanbachchau trên 31.03.2011

     Trái tim tự dưng bỗng có vấn đề, phải nhờ các bác sĩ can thiệp ngay để cứu lấy nó.
     Sáng thứ 7, 26/3, ngủ dậy sức khỏe vẫn bình thuờng. 10 giờ, đến siêu thị Big C mua ít thức ăn để chuẩn bị sẵn cho con cháu về thăm ông bà tối thứ 7 và ngày chủ nhật như thường lệ.
      Tầm 10h30, sau khi đã chất đầy giỏ những thứ cần thiết thì thấy ngực đau râm ran. Đứng thở một chốc vẫn không hết đau. Vội ra quầy thanh toán tiền rồi bắt xe về nhà.
     Ngồi trên xe mở ví lấy một viên Adalat ngậm vào mồm theo lời dặn của bác sĩ “vợ” và bạn bè. Vẫn không hết đau. Về đến nhà lục tủ tìm viên An Cung Hoàn để uống, lại không tìm ra.
      Đành gọi điện hỏi vợ.
     Vợ nghe mô tả bệnh vội ra taxi về ngay. Sau một hồi tham vấn qua điện thoại với con gái và các đồng nghiệp ngành y, quyết định phải đưa ngay đến Viện tim mạch Hà Nội để cấp cứu.
     Vào viện, các bác sĩ khẩn trương làm các xét nghiệm máu, siêu âm tim… Kết quả chụp động mạch vành như hình dưới đây.

     Cả mấy nhánh động mạch đều tổn thương, trong đó động mạch liên thất trước (LAD) tắc hoàn toàn, động mạch mũ (Lcx) tắc 90%, động mạch vành phái (RCA) tắc 40%. Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng và đồng nghiệp quyết định phải can thiệp ngay.
     Gần 4 giờ bệnh nhân được đưa lên băng ca để vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ động viên bệnh nhân cứ bình tĩnh. Bệnh nhân trả lời: bác sĩ cứ yên tâm phẫu thuật, tôi vẫn bình tĩnh chờ xem phẫu thuật.
     Sau khi làm vệ sinh, sát trùng ở khuỷu tay và cả ở bẹn (chắc dự phòng nếu không luồn ống thông qua động mạch “quay” được thì sẽ sử dụng động mạch đùi).
     Bệnh nhân không phải gây mê, gây tê gì. Nằm mở mắt xem các bác sĩ làm việc, cảm nhận được dụng cụ nong mạch vành chầm chậm tiến dần theo mạch máu, đi từ cổ tay lên đến nách. Sau đó nó chui theo đường nào chẳng biết, mặc dù vẫn tỉnh táo.
     Khoảng 1 giờ sau thì ca phẫu thuật kết thúc, Hai stent đã được đật vào vị trí trong động mạch LAD: phía trên là stent BMT2.5x25mm, tiếp theo là stent Cyphir 2.25 x33mm.

Vị trí 2 stent sau khi đã đật vào đúng chỗ
*
Công nghệ y học mới thật là hiện đậi. Đưa hai dị vật vào tim mà bệnh nhân chẳng thấy đâu đớn gì. Nằm lại ở phòng hậu phẩu một ngày chủ nhật để được theo dõi tích cực. Bệnh nhân đông quá. Phải nằm 3-4 người một giường. Lại thêm người nhà theo để chăm sóc. Tối đến, kẻ ho, người rên, kẻ đi vệ sinh ngay tại giường…
     Tối chủ nhật được bệnh viện ưu ái cho lên nằm ở tấng hai, một chiếc giường riêng trong kho thuốc.
     Tại đây, sáng thứ hai, GS.TS Nguyễn Lân Việt, GĐ Viện Tim Mạch VN lại ưu ái ghé vào thăm khám và dặn dò nhân viên những việc cần làm tiếp theo cho bệnh nhân.

GS.TS Nguyễn Lân Việt – GĐ Viện Tim Mạch VN
*

 Tranh thủ lúc GS.TS Nguyễn Lân Việt đang nghe nhịp tim, bệnh nhân mở máy ĐT chụp một tấm hình làm kỷ niệm
*
Ngày cuối cùng trong Viện lại được chuyển sang nằm ở một căn phóng tươm tất hơn, có tủ lạnh, phòng vệ sinh riêng, máy điều hòa, TV.
Người thân, bạn bè kéo đến thăm tấp nập. Cả chú em Phan Bạch Cung, nghe tin ông anh ốm cũng bay vội từ Sài Gòn ra. Những người đến thăm cứ tưởng sẽ nhìn thấy lão bệnh nhân này nằm mê man bất động trên giường bệnh với đủ thứ các đường dây điện, ống nhựa lủng lẳng trên người…. Tất cả đều bất ngờ thấy bệnh nhân vẫn đi lại, chuyện trò như chưa hề có cuộc phẫu thuật con tim.
     Bệnh nhân nói đùa với mọi người rằng, trái tim này không đau mới là chuyện lạ. Bởi lẽ nó quá nhạy cảm trước cái đẹp, cứ rung lên bần bật khi bắt gặp những nụ cười duyên dáng, những giọng nói dịu dàng, những ánh mắt xinh tươi…
     Xuống nhà, ra sân đi dạo và chụp mấy tấm hình.

     Công nghệ y học hiện đại thật là kỳ diệu. Có thể can thiệp vào tận trái tim một cách nhẹ nhàng
      Cám ơn các thầy thuốc ở Viện Tim Mạch Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu và ững dụng thành công công nghệ can thiệp tim mạch này 
     Cám ơn bác sí Phạm Mạnh Hùng và kíp mỗ! 
   Nhân đây, cũng xin giới thiệu cùng mọi người: bác sĩ Phạm Mạnh Hùng từng được phong tặng danh hiệu NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT, là một bác sĩ tài ba của Viện Tim Mạch VN.

Bác sĩ, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng – Nhân tài Đất Việt

Ca phẫu thuật đang làm việc
*
Bệnh nhân đông quá phải nằm chung giường (Viện chỉ có 120 giường bệnh, mà phải chũa trị cho 400 bệnh nhân cùng một lúc) Người nhà bệnh nhân tá túc ngoài sân
*
Sáng thứ ba, bác sĩ đến kiểm tra lần cuối và thông báo cho ra viện, một tháng sau đến kiểm tra lại.
    Về đến nhà, bạn bè, hàng xóm kéo đến thăm và chúc mừng tai qua nạn khỏi. Blogger Nguyễn Như Tước vượt mấy chục cây số về thăm, mạng tặng một bó hoa tươi thắm (hình dưới) đầy tình nghĩa bạn bè.

       Để mọi người rút kinh nghiệm, dưới đấy xin giới thiêu một số thông tin về căn bệnh nhồi máu cơ tim này.
     Trái tim con người không chỉ đơn thuần là một bộ phận hoạt động trong cơ thể con người mà còn tồn tại một trái tim thi ca, biết cảm nhận yêu thương. Trái tim là nơi cư ngụ của tâm hồn và cảm xúc.
    Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 16,5 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới chết do nguyên bệnh tim mạch, mà chủ yếu là do bệnh động mạch vành.
     Tại Việt Nam số người bị mắc bệnh động mạch vành tăng lên nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây. Năm 1997 có 1,2%, đến năm 2003 là 12% và năm 2007 con số bệnh nhân bị mắc động mạch vành tăng lên đến 24%, một con số đáng báo động.
     Năm 1995, ca động mạch vành đầu tiên được Viện tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai chiếu chụp. Năm 1996, ca động mạch vành được tập thể bác sĩ Viện tim mạch “nong” với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài.
     Năm 1997 ca động mạch vành đầu tiên được đặt ống stent tại Viện tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai với sự cố gắng của tất cả các bác sĩ trong Phòng thông tim và đặc bệt là sự mạnh dạn của những thế hệ giáo sư, bác sĩ đi trước giao việc cho lớp trẻ kế cận để hội nhập nắm bắt được những kĩ thuật tiên tiến.
     Đến cuối những năm 90 đầu năm 2000, biện pháp can thiệp tim mạch được các kíp bác sĩ triển khai thuần thục. Sau đó được ứng dụng đi vào thường quy, mang lại những hiệu quả thành công to lớn trong lĩnh vực tim mạch.
     Khi bệnh nhân bị “tắc” động mạch, thì bằng các đường chọc rất nhỏ qua đường động mạch đùi hoặc qua đường động mạch “quay”, sau đó luồn ống thông đường kính khoảng 2mm, luồn lên trên tim để tìm ra chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc. Sau đó luồn thiết bị như quả bóng để thông cho động mạch rộng ra hoặc đặt ống stent làm như một khung giá đỡ để cho động mạch vành bị hẹp, hay bị tắc được thông suốt.
     Với kĩ thuật này thì tốn rất ít thời gian và mang lại hiệu quả to lớn cho người bệnh. Chẳng hạn người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, thì việc thông động mạch vành đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, mở thông động mạch vành càng sớm càng tốt thì mới có cơ hội cứu sống người bệnh.
      Khác với những kĩ thuật thông động mạch vành trước đây là “mổ phanh”, hay dùng thuốc tiêu huyết khối có những hạn chế riêng của nó.
      Bên cạnh đó, nhờ việc thông động mạch vành như vậy thì các thể loại bệnh trước đây không làm gì được ví như bệnh “trên nhồi máu tim cấp” hoặc các thể bệnh động mạch vành khác thì qua việc thông tắc động mạch vành ít nhất mình có thể phát hiện và khẳng định có hay không tắc, hẹp động mạch vành ở thể trạng ra sao để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
       Tuy nhiên, đây là một biện pháp can thiệp ở trình độ công nghệ cao nên chi phí khá tốn kém. Nhưng tính hiệu quả cho cuộc sống của bệnh nhân về lâu dài với chi phí như vậy và mang lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh thì chi phí đó hoàn toàn hợp lí và mang lại hiệu quả tốt hơn so với các biện pháp can thiệp khác trước đó từng làm. 
     Việc “nong” động mạch vành được ông Gruntzig người Thụy Sĩ, trình bày từ năm 1978, và được giới khoa học y tế đón nhận hồ hởi. Tuy nhiên lúc bấy giờ nhiều người vẫn còn lo ngại. Nhưng trong thực tế kĩ thuật đặt ống stent ở Pháp cũng chỉ được thực hiện từ năm 1984. Sau đó đến cuối những năm 1980, mới phát triển và đi vào thường quy.
     Việc tiếp cận đặt ống stent nong động mạch vành ở Việt Nam muộn nhưng không phải quá chậm so với thế giới. Ví dụ, mặc dù việc điều trị động mạch vành đã trở thành thường quy như vậy, nhưng trong những trường hợp cụ thể như điều trị, can thiệp cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thì các nước phát triển đến năm 2000 mới triển khai thường quy, lúc này ở Việt Nam việc điều trị đó cũng bắt đầu được triển khai như vậy.
     Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, sự phát triển trong việc điều trị động mạch vành cho người bệnh, chúng ta được kế thừa và được sự giúp đỡ rất nhiều của bạn bè các nhà khoa học trên thế giới. Nhất là khi các thầy thuốc Việt Nam bắt đầu tiến hành cho việc áp dụng điều trị bệnh nhân động mạch vành bằng phương pháp stent đã được các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới chỉ dạy tận tình theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
      Theo bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, hiện nay kĩ thuật đặt ống stent điều trị bệnh động mạch vành được triển khai khá rộng rãi ở Việt Nam. Từ những năm 1998 – 1999, khi mà Trung tâm Tim mạch thuộc viện Bạch Mai ra đời cùng với một Trung tâm Tim mạch của Viện 108 thực hiện việc đặt ống stent thì hiện nay cả nước có 26 Trung tâm và hầu hết các vùng miền đều đang phát triển rất mạnh cho việc điều trị bệnh động mạch vành như vậy. Và các con số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh động mạch vành theo phương pháp kĩ thuật can thiệp bằng ống thông tăng lên nhanh chóng.
     Ví dụ, những năm đầu tiên thực hiện việc đặt ống thông điều trị cho bệnh nhân động mạch vành, tính cả nước số lượng bệnh nhân đó chưa đến con số một trăm. Nhưng theo thống kê năm 2009, số lượng bệnh nhân khám và điều trị bệnh động mạch vành khoảng 5 nghìn người, trong đó khoảng 3000 bệnh nhân dùng phương pháp đặt ống stent thành công và sự thành công trong việc điều trị bệnh nhân động mạch vành bằng phương pháp kĩ thuật đặt ống thông sẽ ngày càng thành công hơn nữa.
*
CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP ƯU VIỆT NHẤT HIỆN NAY
     Tất cả các trường hợp nhồi máu cơ tim đều được đặt trong tình trạng cấp cứu, do vậy sự lựa chọn phương pháp điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp (NMCTC) nên được quyết định bởi các bác sĩ ở Khoa cấp cứu cùng phối hợp với các bác sĩ tim mạch dựa theo các phác đồ cấp cứu tim mạch.
     Nếu ở các bệnh viện không có kỹ năng can thiệp tim mạch, cần cho bệnh nhân chuyển đến bệnh viện có khả năng tái tưới máu cơ học cấp cứu gần nhất. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân cần có nhân viên y tế được đào tạo về cấp cứu tim mạch đi cùng, với các phương tiện cấp cứu cơ bản, bằng các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp khi tình trạng bệnh nhân đã được sơ cứu tương đối ổn định.
     Các biện pháp chung cho mọi bệnh nhân NMCTC bao gồm: Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường; thở ôxy; dùng thuốc giảm đau (morphin sulphat), dùng thuốc giãn động mạch vành (ĐMV) như nitroglycerin ngậm dưới lưỡi, hoặc natispray xịt dưới lưỡi; cho ngay thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: aspirin, ticlopidin, hoặc clopidogrel (nếu không có chống chỉ định); thuốc chống đông: heparin thường hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp; thuốc chẹn bêta giao cảm (nếu không có các chống chỉ định); thuốc ức chế men chuyển: nên cho sớm và bắt đầu liều nhỏ (trong vòng 24 giờ đầu).
    Chế độ dinh dưỡng: ăn nhẹ, tránh táo bón, chế độ ăn đủ năng lượng ít cholesterol và muối. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tái tưới máu ngay cho bệnh nhân NMCTC phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian đến viện, tình trạng bệnh nhân, điều kiện trang thiết bị và trình độ của cơ sở y tế.
      Có 3 biện pháp điều trị tái tưới máu:
      – Điều trị tái tưới máu ĐMV bằng thuốc tiêu sợi huyết: Nếu không có chống chỉ định, nên sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho những bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực trong vòng 12 giờ kể từ lúc khởi phát, có kèm theo biểu hiện đoạn ST chênh lên (1mm ở ít nhất hai chuyển đoạn ngoại vi, 2mm ở hai chuyển đạo liên tiếp trước tim) và/hoặc biểu hiện blốc nhánh trái mới trên điện tim đồ. Muốn đạt hiệu quả tối ưu, phải dùng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt dựa trên những tiêu chuẩn về điện tim mà không cần đợi các kết quả về men tim. Các thuốc tiêu sợi huyết hiện nay được chia làm 2 loại: chọn lọc với fibrin và ít chọn lọc với fibrin. Những thuốc không hoặc ít chọn lọc với fibrin như reteplase (r-PA), hay streptokinase (SK) sẽ hoạt hoá plasminogen cho dù plasminogen đã gắn với fibrin trong cục đông hay còn tự do lưu hành trong máu, vì thế các thuốc này sẽ tạo ra tình trạng tiêu sợi huyết toàn thể. Các thuốc chọn lọc với fibrin là những chất hoạt hoá plasminogen ở mô (t-PAs) như alteplase, duteplase hay staphylokinase, sẽ hoạt hoá plasminogen gắn với fibrin chủ yếu trên bề mặt của cục đông. Nhờ cơ chế này, các thuốc chọn lọc với fibrin tạo ra hiệu quả tiêu đông mà không gây ra tình trạng tiêu đông hệ thống. Các chống chỉ định tuyệt đối dùng thuốc tiêu sợi huyết bao gồm: tiền sử xuất huyết não; dị dạng mạch não (dị dạng động tĩnh mạch), khối u ác tính nội sọ (tiên phát hoặc di căn); mới bị đột quỵ thiếu máu não trong vòng 3 tháng (loại trừ mới bị đột quị thiếu máu não cấp trong vòng 3 giờ); nghi ngờ bóc tách động mạch chủ; chảy máu đang hoạt động hay chảy máu nội tạng (bao gồm cả kinh nguyệt); bị chấn thương nặng vùng gần đầu hay vùng mặt trong vòng 3 tháng. Các chống chỉ định tương đối bao gồm: tiền sử tăng huyết áp (THA) nặng, không được kiểm soát tốt trị số huyết áp (HA); THA nặng chưa được kiểm soát khi nhập viện (HA tâm thu trên 180mmHg hoặc HA tâm trương trên 110mmHg); tiền sử đột quỵ thiếu máu não trên 3 tháng; hồi sức tim phổi gây chấn thương hay kéo dài trên 10 phút hay mới phẫu thuật lớn dưới 3 tuần; mới bị chảy máu trong (trong vòng 2-4 tuần); chọc động mạch tại vị trí không ép được; với thuốc tiêu sợi huyết streptokinase hay anistreplase: mới dùng thuốc ( trên 5 ngày) hay có tiền sử dị ứng với các thuốc này; đang mang thai; loét dạ dày đang hoạt động; đang sử dụng thuốc chống đông.
     – Can thiệp ĐMV thì đầu tiên cho các bệnh nhân NMCTC có đoạn ST chênh lên hoặc blốc nhánh trái mới trên điện tim, khi có thể tiến hành can thiệp ĐMV trong vòng 12 giờ kể từ khi khởi phát đau ngực, nếu có thể nên thực hiện nhanh chóng (trong vòng 90 phút kể từ khi đến viện) bởi những bác sĩ tim mạch can thiệp có kinh nghiệm tại những trung tâm tim mạch. – Phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành cấp cứu: nên được tiến hành trong các tình huống sau: can thiệp ĐMV qua da thất bại hoặc huyết động không ổn định ở các bệnh nhân có giải phẫu ĐMV phù hợp bắc cầu nối; tại thời điểm phẫu thuật sửa chữa xuất hiện các biến chứng cơ học như vỡ vách liên thất hay hở hai lá nhiều; có rối loạn nhịp thất trầm trọng đe dọa tính mạng người bệnh với tổn thương > 50% thân chung ĐMV trái hay tổn thương cả 3 thân ĐMV. Phòng bệnh tránh tái phát như thế nào? Cho dù người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp nội khoa, ngoại khoa hay tim mạch can thiệp thì việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn ít cholesterol, hạn chế mỡ, muối…, điều trị một số bệnh có liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc đặc hiệu là hết sức cần thiết để điều trị và phòng ngừa NMCT tái phát. Tóm lại: Đối với NMCTC có đoạn ST chênh lên thì tiêu sợi huyết vẫn là chiến lược điều trị chuẩn mực cho các bệnh nhân đến viện sớm và không có chống chỉ định, đặc biệt ở các cơ sở y tế chưa có khả năng can thiệp ĐMV qua da cấp cứu. Tuy nhiên, tái tưới máu bằng can thiệp ĐMV qua da có tiên lượng tốt hơn đặc biệt là ở những trung tâm tim mạch can thiệp lớn có nhiều kinh nghiệm. Lựa chọn chiến lược điều trị tái tưới máu không chỉ liên quan đến những tiêu chí khoa học mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, trang bị máy móc và khả năng của cơ sở y tế. Cuối cùng, tất cả bệnh nhân NMCTC phải được tư vấn kỹ lưỡng để thay đổi lối sống và điều trị các yếu tố nguy cơ. Đa số bệnh nhân phải dùng lâu dài các thuốc aspirin, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc statin và một thuốc ức chế men chuyển.

Bình luận về bài viết này